Saigon: Hành Lang Eden (Passage Eden)

Hành lang Eden không còn nữa. Công cuộc đập phá đã bắt đầu những ngày tháng tư 2010. Lần về thăm quê hương năm 2009, tôi và người tình trăm năm đã đến đây thăm viếng.

Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi còn thấy được khu phố lịch sử này. Trong lúc Hà Nội thảo luận bảo tồn phố cổ Hà Nội, Saigon sẵn sàng đập phá Phố cổ của mình. Nghĩ cũng buồn cho quê hương Việt Nam, đặc biệt Saigon.

Trong entry nầy, tôi chỉ muốn post một số hình đã chụp về khu phố cổ này mà thôi. Nếu biết lần gặp đó là lần cuối cùng thấy được khu nhà lịch sử này, có lẽ tôi đã chụp nhiều hình hơn, và quay phim nữa để chia sẻ với các bạn. Rất tiếc tôi không biết trước.

(Tôi nhớ lúc thăm viếng phố cổ Warsaw, anh hướng dẫn viên du lịch giải thích, là sau đệ nhị thế chiến thành phố này bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Phố cổ mấy trăm năm chỉ còn là đống gạch vụn.

Và anh ta hãnh diện nói với chúng tôi: dân Warsaw chúng tôi đã tìm được một vài bức tranh còn hình phố cổ ở các bảo tàng viện, nhờ đó từ đống gạch vụn, dân tộc chúng tôi đã xây dựng trở lại phố cổ như ngày hôm nay.

Anh ta nhấn mạnh, không phải bằng vật liệu mới, phần lớn là do vật liệu lượm lặt trở lại từ đống gạch vụn. Khu Phố Cổ và Hoàng Cung được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, rất nhiều du khách khắp nơi đến tham quan.

Đọc báo thấy có du khách chứng kiến cảnh đập phá này tại Saigon, nói với một phóng viên báo Người Việt, dân Việt Nam các anh sao lạ quá, tôi cũng hơi xấu hổ.)

Không người dân Saigon nào mà không có lần đi ngang qua đây, đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), hay tòa nhà Quốc hội (nay là nhà hát lớn), hay khu Phố cổ xưa du khách thích tham quan nhất của thành phố, bắt đầu từ chợ Bến Thành, đến khu đường Tự Do và nhà hát lớn, khu hành lang Eden vả tiệm Givral nổi tiếng thế giới.

Hành lang Eden những ngày trước Giáng sinh

“Hà Nội sắp vào hội kỹ niệm 1000 năm kinh thành Thăng Long. Người ta đổ tiền ra duy trì phổ cỗ, sửa lại bộ mặt phố Tây… cố sao cho khách thăm viếng thấy được nét đa văn hóa của thủ đô Hà Nội.

Tại thành phố Sài Gòn người ta cũng đang tu sửa, nhưng để xóa dần nét văn hóa đa phương. Ai đã từng sống và yêu mến thành đô Sài Gòn, chắc chắn giử trong đầu nhiều hình ảnh thân thương về khu tam giác “bộ mặt Sài Gòn” , đỉnh là công trường Quách thị Trang và đáy là đường Tự Do ( nay là Đồng Khởi).

Hầu hết trong chúng ta, ai mà không có chút kỹ niệm với một số địa chỉ trong khu tam giác nầy. Ai mà không từng vào cuối tuần, đưa bạn gái rong chơi phố Bonard, Passage Eden..hoặc vào xem ciné ở Rex, Eden, Casino hay Vĩnh Lơi hay vào ngắm và mua quà ở thương xá Tax hay Cristal palace hoặc mấy kiosque đường Lê Lợi, Nguyển Huệ, Tự Do… Hoặc ngồi Thanh Bạch, Kim Sơn ngắm gái Sài Gòn “diễu hành” khi túi mình không nhiều tiền.

Nếu dư dả một chút vào Pagode, Benoit …để tiếp cận với gôut “Người Pháp”. Còn muốn trở thành dân sành điệu vào Thanh Thế hay Givral để tiếp cận giới báo chí và văn nghệ sĩ. Ngoài ra còn tiêu biểu cho văn hóa chính trị Miền Nam qua tòa nhà Quốc Hội (hạ viện), Tòa Đô Chính, khách sạn Caravel, Contimental…là những chấm phá không thể nào phai mờ trong ký ức người Sài Gòn.

Những kỹ niệm đó nay thành ký ức mà chúng ta cố giử gìn như níu kéo một chút thân thương của Sài Gòn xưa. Hòn ngọc viển đông nay đã đổi màu da xác thịt lẩn tim óc.

Nó vẩn đang phát triển, công trình hiện đại vẩn vươn lên mổi ngày mổi khác.Nhưng cái nét văn hóa đặc biệt đầy lãng mạng của Sài Gòn năm xưa không còn nửa.

Sài Gòn bây giờ xô bồ, vật chất, phân hóa và hào nhoáng. Tin tức loan đi khiến người Sài Gòn thấy nhói trong tim là hành lang Eden, quán Pagode, Givral…sắp biến mất trên cõi đời. Người Sài Gòn mới thấy có nhu cầu xóa đi những biểu tượng văn hóa Tây để dành đất xây các cao ốc cho nhu cầu thương mại hóa tất cả.

Mang danh là kẻ còn bám theo văn hóa Pháp lúc cuối mùa vào đầu thập niên 60, khi các trường Miền Nam dạy tiếng Anh Mỹ một cách phổ biến. Tiếng Anh trở thành một ngôn ngử thực dụng. Người học nó kiếm việc dể, kiếm tiền nhiều. Song người nặng tình văn hóa Pháp lại giử được chìa khóa mở kho tàng văn chương lãng mạng mà dấu ấn của nó còn bàng bạc trong các tác phẩm nhóm Tư Lực Văn Đoàn, Tân Dân…

Bao năm qua lưu lạc xứ người, dùng không biết bao nhiêu loại cà phê, nhiều gôut nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi không bao giờ tìm được hương vị Pagode dù cho Starbust của Hoa Kỳ đang vang danh thiên hạ.

Nay Pagode không còn nửa. Eden, Givral…cũng lặng lẻ biến mất theo. Tiếc quá đi thôi! Nhưng biết làm sao bây giờ, khi Sài Gòn lọt vào tay những người không bao giờ hiểu cái văn hóa đặc thù rất Sài Gòn, của một thời quá khứ nên thơ và lãng mạng. Trong đó gôut Pháp là một nét hòa quyện bên trong.”

(Nguồn: http://www.haisystem.com/webportal/html/modules.php?name=Forums&file=viewtopic&p=1799 )

“Có một chi tiết quan trọng mà một độc giả của đài RFA nêu lên nghi vấn:

“Toàn bộ khu Eden nằm giữa các con đường Tự Do (nay là Đồng Khởi)-Nguyễn Huệ-Lê Lợi-Lê Thánh Tôn với diện tích hơn 8.000m đã được giao cho Công ty cổ phần Vincom.

Công ty này của Phạm Nhật Vượng, một lưu học sinh nhờ sự tan rã của Liên Xô nên trở thành giàu có từ hoạt động mua bán phế liệu chiến tranh, kinh doanh bất động sản.

Sau khi phất lên, đại gia này đã bơm tiền về Việt Nam và thành công ở những tòa cao ốc tại Hà Nội với cách thức chung chi tiền cho các cán bộ để được giao các khu đất vàng với giá rẻ. Cách làm này cũng được Vượng áp dụng với khu Eden nhưng dân Sài Gòn vốn thẳng tính đã liên tục khiếu nại về cách đi đêm này.

Cụ thể, trong khi chưa đền bù xong thì Vượng đã dùng bàn tay của chính quyền quận 1 ép các hộ dân và doanh nghiệp tại chung cư Eden phải dọn đi để chúng tiến hành đập phá nhằm có mặt bằng để xây khu thương mại.

Nào chỉ có nhà hàng Givral, còn nhà sách Xuân Thu, cùng những ngôi nhà quen thuộc của trung tâm Sài gòn sẽ biến mất khi doanh nghiệp đi đêm với chính quyền mà quên đi quyền lợi của người dân.

Tôi mong rằng Đài châu á tự do cần có thêm những bài viết để làm rõ vụ việc độc chiếm Eden của Công ty cổ phần Vincom. Vì hiện nay các báo trong nước đã được nhắc nhở là không nói về vụ việc này. Còn những Đảng viên đang sống tại Eden nếu khiếu nại vì quyền lợi sẽ bị đe dọa là khai trừ Đảng như ông Quảng, đại diện cho các hộ dân phía đường Nguyễn Huệ đã bị khai trừ Đảng do dám đấu tranh với Công ty CP Vincom để đòi tăng giá đền bù cho người dân.” Cao Hung

(Nguồn: http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=2006&p=27927&viewfull=1 )

Nguyễn Ðạt/Người Việt

Sau hai tuần lễ tù túng – vì bị tai nạn đứt gân đầu gối, Hương lê chân xuống 60 bực thang chung cư, rồi cà nhắc thêm vài bực thềm nữa, chúng tôi ngồi trong Hotel Continental, để Hương ngó xéo qua Givral, thấy một góc lịch sử Sài Gòn đang chết.

Tôi hớp vài ngụm cà phê ngọt ngậy, loại cà phê pha vụng của Saigon Tourist, tệ hơn cà phê vỉa hè, rồi chui vào lòng Givral vừa bị mổ bụng. Từ chỗ cái chết của nó, tôi nhìn ra, thấy những ánh mắt tò mò, không chỉ của du khách. Họ chụp vài tấm hình, rồi thản nhiên đi qua, nhưng có một người, cặm cụi, nói với tôi, anh muốn làm một người chứng, và chụp rất nhiều hình từ cái địa chỉ sắp biến mất này.

Trong những ánh mắt nhìn vô, nơi tôi đứng, có cái ngó xéo của Hương, và trong cái ngó xéo đó, những cái chết chồng chéo, xẹt qua, cày đi xới lại vẫn tiếp diễn. Quá khứ và hiện tại, trong những ngày tháng 4, đối với một số người, là cảm xúc của tình trạng bị bức tử, còn đối với một số người khác, là cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.

Tôi chui khỏi cái bụng tanh bành của Givral, và chợt nhớ hai câu thơ Eliot trong Ðất Hoang, tháng 4 là tháng ác nghiệt nhất, tháng tử đinh hương sinh sôi từ đất chết. Dù trong hay ngoài hay ở giữa cái chết, của lịch sử hay cá nhân, đều phải đối mặt với sự bất an. (Nguyễn Quốc Chánh)

Hành lang Eden – Passages Eden – là một góc “linh hồn Sài Gòn.” Nhắc nhớ Sài Gòn không thể không nhắc nhớ Hành lang Eden. Khối nhà liên kết gồm 4 tầng theo kiến trúc phương Tây có “Hành lang Eden” ở tầng trệt, nằm gọn giữa 4 phố: Tự Do-Lê Thánh Tôn-Lê Lợi-Nguyễn Huệ.

Bốn mặt Hành lang Eden nhìn ra 4 con đường đẹp nhất Sài Gòn. Rạp chiếu phim “Eden” giữa lòng Hành lang Eden – không hoạt động từ sau 30 tháng 4, 1975 – mặt tiền nhìn ra đường Tự Do. Chếch lên phía Nhà thờ Ðức Bà, bên kia đường Tự Do nay là đường Ðồng Khởi, một công viên trên nền cao. Công viên mang tên Chi Lăng đó không còn dấu vết gì từ hai năm nay, tòa nhà cao tầng hiện đại xuất hiện ở đây mang tên “Vincom Center,” hung hãn dự phần vào việc phá vỡ không gian của cả một khu vực.

“Khu tứ giác Eden,” như bây giờ người ta gọi vậy, bao gồm trong đó hai nhà hàng – chủ yếu là cà phê, giải khát – không thể quên trong lịch sử Sài Gòn từ xưa tới nay: La Pagode và Givral. Nhà hàng La Pagode ở một đầu của tứ giác – góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn – mặc dù sau 30 tháng 4, 1975 trở thành Văn phòng công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist, vẫn ở tại chỗ trong khu tứ giác Eden, bâng khuâng nhắc nhớ một thời cho những hoài niệm trân trọng của người Sài Gòn. Ðầu kia của tứ giác, nhà hàng Givral – góc đường Tự Do và Lê Lợi – may mắn hơn, kéo dài tuổi thọ tới hôm nay.

Bây giờ thì, cả La Pagode và Givral, chỉ còn âm thầm lưu lại hình ảnh mình trong sách báo, ở những cuốn album kỷ niệm của gia đình, ở mạng tìm kiếm trên Internet… Các nhiếp ảnh gia, các bác “phó nhòm” chuyên nghiệp chụp ảnh của Sài Gòn, ai ai cũng từng nhiều lần ghi hình ảnh khu vực quảng trường Lam Sơn, chọn lựa góc phố trước mặt Givral, vòm cong mái hiên kiều diễm của Givral thân thuộc không thể lẫn với bất cứ cửa tiệm nhà hàng nào ở khu tứ giác Eden và các khu vực lân cận.

Người dân Sài Gòn không biết tại sao nhà nước phá bỏ khu tứ giác Eden, một trong những công trình kiến trúc xưa, từ thời thuộc Pháp, là những công trình kiến trúc chủ yếu góp phần làm nên một Sài Gòn từng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Ðông.”

Chúng tôi đọc trên tấm băng-rôn treo ở khu tứ giác Eden, những dòng chữ thông báo: “Vì lý do Ủy Ban Nhân Dân quận 1 thu hồi mặt bằng khu thương mại Eden theo thông báo số…, ngày 23 tháng 3, 2010…” Và những ngày sau đó tiến hành việc phá dỡ, tất nhiên bắt đầu phá dỡ ở bên trong các cửa tiệm nhà hàng hiệu sách, các văn phòng giao dịch thương mại…

Thời điểm tiến hành phá dỡ cũng là dịp nhà nước chuẩn bị chào mừng 35 năm ngày “giải phóng hoàn toàn miền Nam,” tiếp đó chào mừng kỷ niệm ngày sinh của “bác.” Nên khu tứ giác Eden có rất nhiều ngày nhộn nhạo, vừa tháo dỡ đục phá bên trong, vừa treo băng-rôn chào mừng cùng khắp, bao gồm cả những băng-rôn của các cửa tiệm, đơn vị thương mại… thông báo cho khách hàng biết địa điểm sẽ dời chuyển tới.

Chúng tôi gặp hai du khách nước ngoài đứng trước một cửa tiệm – biển hiệu ghi: Boutique Ngọc Châu/Since 1969 – sắp di dời, họ lắc đầu, nói với chúng tôi: “Sài Gòn của các bạn rất kỳ lạ, phá bỏ một khu vực có kiến trúc xưa vững chắc, hoàn mỹ như Passages Eden. Chúng tôi không thấy nơi nào trên thế giới như vậy. Chúng tôi biết, như tại Ba Lan, nhà phố và các công trình kiến trúc ở Vac-sa-va bị tàn phá suốt thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, đã được xây dựng lại theo đúng nguyên dạng ngay khi có thể. Ở đây thì lại tự động phá bỏ những công trình kiến trúc đã làm nên vẻ đẹp của Sài Gòn…”

Ký giả Glen MacDonald, trong buổi chính quyền thành phố tổ chức gặp gỡ các hãng truyền thông và ký giả quốc tế nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 vừa qua, đã nêu câu hỏi về việc Sài Gòn phá bỏ “Passages Eden,” một trong những công trình có kiến trúc đẹp. Vị phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đã trả lời rằng khu Eden là một công trình đã xuống cấp, phải khẩn trương xây dựng mới… Rồi nói lảng tránh, bào chữa, rằng thành phố đặc biệt quan tâm bảo tồn kiến trúc cảnh quan đẹp, trong đó có những kiến trúc xây dựng từ thời Pháp, đơn cử như tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố – Tòa Ðô Chính của Sài Gòn cũ.

Chúng tôi vẫn thường xuyên lui tới những lối Hành lang Eden tìm hình bóng cũ, uống cà phê Givral, vào Nhà sách Xuân Thu – Albert Portail cũ – xem sách ngoại văn, không hề thấy một dấu hiệu xuống cấp nào.

Khu tứ giác Eden, với những cửa tiệm sang trọng bán hàng ngoại nhập, xa xỉ phẩm, sách báo nước ngoài, luôn được gia cố, sửa chữa, chỉnh trang. Và nếu khu tứ giác Eden xuống cấp, thì cũng xuống cấp cùng với toàn bộ những công trình xây dựng từ thời Pháp, trong đó có tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố mà vị phó chủ tịch đã nhắc tới.

Chúng tôi nhận thấy, khu tứ giác Eden, với Hành lang Eden mang đậm màu sắc Sài Gòn cũ, dấu ấn tính cách sinh hoạt của dân chúng miền Nam tự do thuở trước. Và chúng tôi nghĩ, hẳn điều này không vui vẻ hòa hợp chút nào với những người đại thắng 30 tháng 4, những người luôn mang trong mình “cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.” ” (Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113234&z=1 )

“Sàigòn xưa có hai nơi mua sắm tương đối sang trọng, tập trung một số cửa hàng chuyên bày bán…hàng hiệu, đó là thương xá TAX và passage EDEN ( sau này mới mở thêm thương xá Tam Đa ( Crystal Palace ).

Loại mô hình này đại loại như là một dạng shopping center của dân Sàigòn. Riêng khu passage Eden có hai cửa vào ở hai đại lộ chính ở SG là Tự Do và Nguyễn Huệ, là một khu mua sắm với đầy đủ các mặt hàng, cả nhà hàng ăn và ở tận cùng của ” hành lang ” này là rạp xi-nê Eden.

Ngày xưa, trong suốt thời gian tôi và bà xã quen nhau, trong những ngày…hò hẹn thì đưa nhau đi xem phim là một trong những…” hình sinh hoạt ” tương đối phổ biến với những cặp thanh niên. Và Eden là một trong những rạp xi-nê mà tôi thường “đưa em đến ” ( Rex và Đại Nam nữa ).

Và nếu xem phim ở những rạp khác thì không nói làm gì, chứ nếu đã chọn Eden thì trước hay sau khi xem phim tôi thường đưa bà xã đi dạo quanh các cửa hiệu trong passage để…ngắm nghía ( vì thực ra, những món được bày bán ở đây ít khi nào ở mức…dưới tổng số tiền tôi có được bên mình ). Đôi khi nhìn thấy ánh mắt bà xã dán chặt vào một đôi giày, hay cái bóp da chẳng hạn, tôi cũng thường bặm gan hỏi đại, “em thích không ? ” ( với tâm trạng hồi hộp là không biết giá bán của chúng bao nhiêu, vì ở thời điểm ấy hàng bày trong showcase không bao giờ ghi giá bán ), và thường thì bà xã…lắc đầu. ( Trong những tháng ngày…iu nhau ấy, bà xã chỉ gật đầu ở những cửa hiệu khác,…bình dân hơn nhiều, và tất cả cũng chỉ gật đầu…một đôi lần !! )

Dù vậy, có nghĩa là tất cả những lần dạo…passage Eden, cả hai chúng tôi chỉ toàn…ngắm nghía ( just window shopping ) nhưng lại thấy vô cùng thích thú.

Và những bước chân bên nhau đi suốt dọc theo passage ngoằn ngoèo, hai bên là dãy cửa hàng san sát, đèn đuốc sáng choang, để đến tận cùng là rạp xi nê Eden : Vào quày bán vé mua hai vé, thường chọn vé trên lầu ở hàng ghế…sau cùng !! Tôi nắm tay bà xã, trình vé cho người soát vé, một tay dìu bà xã, tay kia…vén chiếc màn nặng trịch để cùng nhau bước vào…bóng tối !!! ” (Nguồn: http://bacthanhrau.multiply.com/journal/item/715 )

Tại sao các thông tin về quy hoạch, kiến trúc để được phản biện thường không công khai? Lẽ nào chúng ta lại cho rằng “Dân biết gì mà góp ý”? Phương pháp chuyên gia không thể thay thế cho sự tham gia của cộng đồng.

Mấy hôm nay, các nhà văn, nhà sử học và giới trí thức xôn xao về chuyện quán café Givral bị xóa bỏ không thương tiếc và đặt câu hỏi tại sao lại ra nông nỗi này?

Nếu nhìn lại thì hiện tượng Givral đột tử không phải là đầu tiên mà trước đó có nhiều chuyện tương tự như thế đã diễn ra ở thành phố này. Chẳng hạn, đó là sự biến mất của dãy nhà cổ hơn 100 năm tuổi trên đường Trần Văn Kiểu, quận 5 chạy dọc kênh Tàu Hũ khi xây dựng tuyến đại lộ Đông Tây; Nhà hát TP chỉ còn là bao diêm bên cạnh người khổng lồ Caravelle…

Thông tin thành của hiếm

Khâu đầu tiên và quan trọng nhất của tiến trình phản biện, góp ý cho việc hoàn thiện bất kỳ chính sách, dự án nào liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cố nhiên trong đó có quy hoạch, kiến trúc phải được công khai và minh bạch trước bàn dân thiên hạ.

Điều đó có nghĩa là người dân phải được biết thì mới có thể thực hiện được quan điểm của Đảng đưa ra là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ở các nước phát triển thì đây là một nguyên tắc bất di bất dịch của dân chủ hóa. Các dự án liên quan đến người dân ở các cấp từ quốc gia đến cộng đồng đều phải được công bố trên bản tin công cộng, phòng triển lãm, mạng Internet. Người dân có quyền được biết các ý tưởng, thiết kế, dự toán tài chính công trước khi dự án thực hiện và điều chỉnh sau khi nhận được góp ý một cách tường tận, thậm chí họ còn có quyền chất vấn, đối thoại với chính chủ dự án. Ở Việt Nam thì đây còn là chuyện ít xảy ra.

Ở Hà Nội đã có một vài cuộc triển lãm như thiết kế nhà Quốc hội, quy hoạch tổng thể Hà Nội, tuy phần nào còn hình thức nhưng vẫn khá hơn mọi nơi trong cả nước.

Ở TP.HCM, các cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi về dự án quy hoạch, sắp xếp lại thành phố ở cấp vĩ mô hay các công trình đơn lẻ có ý nghĩa còn khá hạn chế. Các phương pháp chuyên gia được đề cao nhiều hơn là sự tham gia của cộng đồng.

Có vị lãnh đạo cấp sở cho rằng “Dân biết gì mà góp ý”, còn với các nhà đầu tư thì không đời nào và không bao giờ muốn công khai quy hoạch, thiết kế, bởi vì với họ lợi nhuận là trên hết, còn giá trị lịch sử, văn hóa chỉ là thứ phù phiếm. hơn nữa, họ sợ hỏng việc do sự góp ý của người dân, nhất là sợ đối mặt với các nhà quy hoạch, kiến trúc sư.

Minh bạch để chống đi đêm, xin-cho

Việc công khai sớm các quy hoạch, thiết kế sẽ giúp cho giới lãnh đạo và các bộ phận quản lý nhà nước nắm bắt được thông tin để ngăn ngừa hay điều chỉnh những sai sót, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Mặc dù TP có Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc TP đóng vai trò là người thẩm định và người gác cửa cuối cùng nhưng không thể loại trừ hết sai sót. Bởi không ai và không bộ phận nào có thể nhìn thấy hết mọi góc cạnh của vấn đề. Hơn nữa, việc công khai, minh bạch cũng giảm bớt được phần nào việc đi đêm và giao dịch dưới gầm bàn trong cơ chế “xin-cho”.

Tiến trình đô thị hóa và nâng cấp, chỉnh trang ở TP chưa chấm dứt. Tới đây sẽ còn rất nhiều dự án lớn tiến hành ở TP như bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng, nhà hát giao hưởng ở Công viên 23-9, quảng trường trung tâm ở Thủ Thiêm, khu thương mại phức hợp Vincom thay thế cho Eden…

Tất cả dự án này đều nằm ở khu vực lõi trung tâm. Các địa điểm này đều được coi là đất vàng, kim cương và ở những nơi cực kỳ nhạy cảm (như trước cửa UBND TP – cơ quan hành chính lớn nhất và là biểu tượng của TP).

Do vậy TP cần nhanh chóng ban hành quy chế pháp lý, hình thành cơ chế công khai, minh bạch để cho nhiều người, nhiều giới cùng tham gia và tổ chức các hình thức phô diễn hợp lý cho quảng đại quần chúng nhân dân được biết.

Nếu không làm được điều trên thì khi các công trình mọc lên có thể chúng là điểm nhấn, là niềm tự hào của TP nhưng cũng có thể là nỗi xấu hổ cho muôn đời hoặc là sự tiếc nuối như Givral ngày nay.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, nhà đô thị học, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM

(*) Tít và tựa nhỏ do tòa soạn đặt. (Nguồn: http://phapluattp.vn/20100419111033927p0c1085/sai-gon-mat-givral-y-dan-o-dau-.htm )

About Le Thanh Hoang Dan

Born in Saigon.. Came to New York in 1975. Married with four children and eight grandchildren. Used to work on Wall Street, as a Data Administrator and Database designer for various banks , brokerage firms, and finally the Depository Trust and Clearing Corporation. Retired since 2002. Accomplishments in Viet Nam: (1) Teaching at Vỏ Trường Toản HS, Tây Ninh HS, Sađéc HS, Quốc Gia Sư Phạm Sàigòn, Đaị Học Sư Phạm Sàigòn, Đaị Học Sư Phạm Cần Thơ, Cao Đài (Tây Ninh), Hòa Hảo (Long Xuyên)... (2) Writer and Publisher ( "Trẻ" publishing house). Published many books on Education and Politics such as Các Vấn đề giáo dục, Triết Lý giáo dục, Những danh tác chánh trị, Lịch sử chiến tranh lạnh... (3) MC for a national TV show "Quê hương mến yêu" (Beloved country).. Academic accomplishments in the U.S.: MBA (in Information systems), MS in Information Systems, 2 Advanced certificates (1) Corporate Finance (2) Business Economics. All these degrees were from Pace University in New York. Hobby in retirement: Family, Friends, Ballroom dancing and Travel... Ra đi năm 1975. Cuộc đời nhiều sóng gió. Bây giờ tuổi đã già, 70 rồi. Chỉ muốn vui hưởng tuổi già với gia đình, bạn hữu, du lịch và khiêu vũ..
Bài này đã được đăng trong Du lịch Saigon, Saigon và được gắn thẻ , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này